(VOV) - Quen với công việc chuẩn bị trong hậu trường, những kỹ thuật viên Trung tâm Âm thanh, Đài TNVN là những người khá trầm lặng, ngại nói về mình, về công việc họ đang làm. Tuy nhiên, thành công của LHPT luôn có sự đóng góp không nhỏ của họ - những kỹ thuật viên Trung tâm Âm thanh.
Công việc thầm lặng
Trong những ngày diễn ra LHPT toàn quốc lần thứ IX, những kỹ thuật viên Trung tâm Âm thanh (TTÂT) ai nấy đều bận rộn. Anh Dương Hồng Hải, Phó giám đốc TTÂT, cho biết, do số lượng các đài phát thanh, phát thanh - truyền hình của các tỉnh tham dự Liên hoan khá đông (63 đài), công nghệ của các đài khác nhau, phần mềm file âm thanh khác nhau, các kỹ thuật viên TTÂT phải kết nối đường truyền, chuyển định dạng file âm thanh về dạng quy chuẩn để tác phẩm có thể phát sóng tham dự cuộc thi. Tại Liên hoan lần này, TTÂT quản lý kỹ thuật 2 phòng nghe băng, 3 phòng hội thảo, 1 phòng phát thanh trực tiếp, cung cấp tín hiệu cho VOVTV và phụ trách kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tại Nhà hát Đài TNVN phục vụ cho lễ khai mạc và bế mạc Liên hoan. Công việc nhiều như vậy nên công nhân viên của Trung tâm phải chia làm 3 ca, làm việc liên tục từ 8h - 22h.
Các kỹ thuật viên Trung tâm Âm thanh đang hỗ trợ các thí sinh dự Liên hoan Phát thanh (Ảnh: Quang Trung) |
Anh Nguyễn Năng Khang, Trưởng phòng Kỹ thuật vô tuyến điện, cho biết, việc phụ trách kỹ thuật âm thanh ở phòng phát thanh trực tiếp rất phức tạp. Kỹ thuật viên của TTÂT ngoài việc phát trực tiếp tại phòng thu còn phải nối đường truyền dẫn tín hiệu về các đài địa phương. Trong Liên hoan, thể loại phát thanh trực tiếp được thực hiện ở phòng họp bình thường. Phòng rộng, người ra vào nhiều, lắm tạp âm nên việc đảm bảo cho âm thanh phát sóng phải trong trẻo, không lẫn tạp âm là điều rất khó khăn. Các kỹ thuật viên TTÂT phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Rất vui là các đài tham dự phát thanh trực tiếp đều tỏ ra khá hài lòng về chất lượng âm thanh. Tuy nhiên, anh Nguyễn Năng Khang cho biết, việc chuẩn bị âm thanh cho buổi khai mạc, bế mạc LHPT tại Nhà hát Đài TNVN là tốn nhiều thời gian, công sức nhất. “Tại buổi khai mạc và bế mạc có dàn nhạc sống biểu diễn, vì vậy, đòi hỏi chất lượng âm thanh cao, đảm bảo cho người tham dự Liên hoan và thính giả cả nước được nghe âm thanh với chất lượng đạt chuẩn. Hôm khai mạc và bế mạc, kỹ thuật viên TTÂT còn phải truyền dẫn tín hiệu phát thanh thực tiếp từ Nhà hát Đài TNVN về TTÂT ở 39 Bà Triệu bằng công nghệ Audio TCP/IP, là công nghệ phát thanh mới nhất, để thính giả trên cả nước có thể nghe tường thuật trực tiếp lễ khai mạc và bế mạc LHPT trên Đài TNVN với chất lượng âm thanh tốt nhất”, anh Khang chia sẻ.
Phục vụ chu đáo
Tham dự Liên hoan, hầu hết các đài địa phương đều đưa kỹ thuật viên về. Kỹ thuật viên của TTÂT đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật viên các đài địa phương cấu trúc thiết bị máy để họ có thể sử dụng được. Tuy nhiên, nhiều đài vẫn tin tưởng nhờ kỹ thuật viên TTÂT trực tiếp điều khiển máy khi tham gia dự thi. Các đài địa phương đều tỏ ra khá hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ, công nhân viên TTÂT. Anh Mạc Kính Hào, Phó trưởng Ban phát thanh Đài PT-TH Cần Thơ, cho biết, 9h tối ngày 7/6, Đoàn Cần Thơ mới tới Hà Nội. Mặc dù đã muộn nhưng khi nhờ kỹ thuật viên Đài TNVN kết nối tín hiệu về địa phương, các anh giúp đỡ rất nhiệt tình. Đài Cần Thơ không có điều kiện mời khách mời về Hà Nội, phải nhờ kỹ thuật viên TTÂT kết nối máy để BTV trò chuyện với khách mời, chúng tôi thấy chất lượng âm thanh rất đảm bảo. Chị Bùi Thị Ngọc Trinh, Trưởng phòng Kỹ thuật phát thanh Đài PT-TH Bình Thuận cho biết: “Tham dự LHPT, điều lo nhất của những người thực hiện chương trình không phải là phần chuẩn bị nội dung mà là phần kỹ thuật âm thanh. Chuẩn bị nội dung chu đáo đến mấy mà có sai sót về âm thanh thì tác phẩm cũng thất bại. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên Đài TNVN, chúng tôi hoàn toàn yên tâm”. Chị Lê Thị Ngọc Anh, kỹ thuật viên Đài PT-TH Bình Thuận nhận xét, phần mềm được sử dụng ở Đài TNVN rất hiện đại nên hơi khác so với phần mềm được sử dụng ở Đài Bình Thuận. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của những kỹ thuật viên Đài TNVN nên chị làm quen rất nhanh. Vì thế, khi tham dự phát thanh trực tiếp, chị điều chỉnh thiết bị khá thành thạo.
Khi được hỏi, mặc dù có nhiều đóng góp trong việc tạo dựng thành công của tác phẩm phát thanh, tuy nhiên, khi tác phẩm đoạt giải, người ta chỉ biết đến phóng viên, biên tập viên thực hiện chương trình, các anh có thấy buồn không? Anh Nguyễn Năng Khang thẳng thắn: “Một tác phẩm phát thanh có sự đóng góp của nhiều người, trong đó có khối kỹ thuật. Tác phẩm đoạt giải, kỹ thuật viên cũng thấy tự hào, còn việc được tôn vinh hay không không quan trọng, miễn là mình được sống với nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, đối với những chương trình phát thanh đòi hỏi tính kỹ thuật cao, ví dụ như phát thanh trực tiếp, tường thuật trực tiếp, ngoài tên của phóng viên, biên tập viên thực hiện chương trình, cũng nên nhắc đến tên của kỹ thuật viên. Điều này, Đài Trung ương làm khá tốt nhưng các đài địa phương còn chưa chú ý đến. Kể ra, LHPT có thêm giải thưởng dành cho tác phẩm chất lượng âm thanh tốt nhất thì đó cũng là cách để tôn vinh và ghi nhận công lao của các kỹ thuật viên”./.
Thanh Vân (báo TNVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét