Hôm nay tôi sẽ cùng các bạn chép một ca khúc với Sibelius. Sau khi thực hiện bài này các bạn sẽ có khái niệm cơ bản nhất về sử dụng Sibelius để chép nhạc. Trước tiên bạn hãy khởi động chương trình Unikey và chuyển sang chế độ gõ tiếng Việt Unicode nhé. Sau đó chạy chương trình Sibelius và ta cùng bắt đầu chép nhé. Bài ca khúc hôm nay ta cùng chép là bài Rada tình yêu của tôi sáng tác năm 2008. Các bạn có thể xem bài mẫu ở đây: http://www.vinaanh.com/images0/6098/m/494fd29647883_m.png I. Các bước chuẩn bị: Hãy khởi động chương trình Sibelius, mặc định chương trình sẽ khởi động với một trình khởi động nhanh (Quick Start). Ta chọn Start a new score và nhấn OK. Trong bảng Manuscript Paper hiện ra, ta cuộn xuống dưới và chọn Treble Staff. Trong mục Page Size bạn chọn A4, sau đó nhấn Next.
Trong bảng House Style bạn chọn Standard Opus (Times) hoặc Keyboard Opus (Times) rồi nhấn Next. Tiếp theo bạn chọn loại nhịp của bài hát. Ví dụ này ta chọn 4/4. Mục Tempo bạn có thể chọn Tempo text là Moderato. Nhấn vào chọn Metronome Mark và chọn 110. Nhấn Next để tiếp tục. Trong bảng Key Signature bạn chọn Minor key và chọn giọng là Cm (3 dấu giáng) Tiếp tục nhập tên bài, nhạc sỹ, lời ca, bản quyền… trong phần Score Info. Sau đó nhấn Finish
Để bắt đầu chép nhạc, bạn hãy để ý phần Keypad bên tay phải của bàn phím với các con số, cộng, trừ, Del, Enter… Ta sẽ dùng Keypad để chọn trường độ nốt nhạc: Phím 1: Nốt móc tam Phím 2: Nốt kép Phím 3: Nốt đơn Phím 4: Nốt đen Phím 5: Nốt trắng Phím 6: Nốt tròn Về cao độ ta sẽ dùng các phím trên bàn phím như sau: A: Nốt la B: Nốt xi C : Nốt đô D : Nốt rê E : Nốt mi F : Nốt pha G : Nốt son (Khi dùng dấu thăng giáng ta lại chọn bên phần keypad, phím 7, 8 và 9).
II. Bắt đầu chép nhạc: Đầu tiên ta nhấn chuột chọn ô nhịp đầu tiên để bắt đầu chép. Tiếp theo ta nhấn phím 3 trên Keypad để chọn trường độ là nốt đơn. Sau đó nhấn B trên bàn phím để chép nốt Xi. Nhưng nốt xi đầu tiên này lại là nốt B quãng tám 4, ở trên dòng kẻ thứ 3 ở giữa khuông nhạc, muốn nó nhảy xuống quãng tám ta giữ phím Ctrl và nhấn phím mũi tên xuống ↓. Tiếp theo nhấn phím C để chép nốt đô. Bây giờ sẽ chuyển Keypad thành phím số 4 và nhấn hai lần phím số 0 để chép hai dấu lặng đen. Tiếp theo nhấn phím số 3 chuyển trường độ thành móc đơn và nhấn 0 để chép lặng đơn, rồi nhấn phím G để chép nốt Son đơn. Vậy là xong ô nhịp thứ nhất rồi. Các bạn cứ để nguyên rồi nhấn luôn 4 phím B, C, B, C trên bàn phím để chép 4 nốt tiếp theo trong ô nhịp thứ hai.
Tiếp theo nhấn phím số 5 và phím số 0 để chép dấu lặng trắng. Sau đó chép ô nhịp thứ ba bằng cách thực hiện lại ô nhịp thứ nhất. Bạn có thể dùng chức năng Ctrl+C để copy hai ô nhịp đầu và paste vào ô nhịp thứ ba. Nếu bạn copy hai ô nhịp đầu thì ô nhịp thứ tư cần sửa lại bằng cách dùng chuột kéo các nốt đến cao độ mong muốn. Cũng có thể dùng mũi tên lên hay xuống để thay đổi cao độ. Sau khi đã copy và sửa ô nhịp thứ tư, các bạn hãy nhấn vào nốt F ở phách thứ hai và nhấn phím Enter trên Keypad để chép dấu nối. Sau đó ta dùng mũi tên phải → để chuyển sang dấu lặng trắng cuối nhịp thứ tư. Nhấn vào nốt lặng trắng ở cuối ô nhịp thứ tư và nhấn phím số 3 chọn trường độ là đơn. Nhấn phím 0 để chép dấu lặng đơn. Sau đó ta nhấn phím E chép nốt mi. Để chép dấu nối ta nhấn phím Enter trên keypad rồi chép tiếp nốt E đen bằng cách nhấn phím số 4 trên keypad và phím E. Lúc này ta lại copy ô nhịp từ 1 đến 4 bằng cách dùng chuột để chọn ô nhịp thứ nhất và giữ Shift rồi nhấn ô nhịp thứ tư và tiếp theo nhấn Ctrl+C để copy, rồi chọn ô nhịp thứ năm và nhấn Ctrl+V để dán. Lại thực hiện sửa ô nhịp thứ tám như sau: nhấn chọn hai nốt F rồi nhấn mũi tên lên ↑ thành nốt G và nhấn dấu nối bằng phím Enter trên keypad. Sau đó nhấn vào nốt G ở phách thứ ba và chọn trường độ là trắng bằng cách nhấn phím số 5 trên keypad. Để chép dấu luyến ta nhấn chuột chọn nốt đầu tiên rồi nhấn phím S trên bàn phím.
Để chép nốt hoa mỹ ta chuyển sang trang hai của keypad có hình dấu lặng. Hoặc bạn ó thể nhấn F9 và chọn nốt hoa mỹ trong bảng này. Cũng có thể nhấn phím hoa thị trên Keypad.
Sau đó nhấn vào chỗ cần nhập nốt hoa mỹ. Thông thường các bạn nhấn vào ngay trước nốt chính.
Vậy là ta đã chép được tám ô nhịp của ca khúc. Đã đến lúc ta dừng lại và chép phần lời ca của tám ô nhịp này. Nhấn chuột vào nốt B đầu tiên và nhấn tổ hợp phím Ctrl+L. Chép lời như khi ta đánh máy chữ ấy, sau mỗi từ ta lại nhấn phím cách để nhảy sang nốt kế tiếp. Khi chép hết phần lời của 8 ô nhịp này ta hãy chọn hết tám ô nhịp này và vào Layout và nhấn Reset Note Spacing để dãn dòng cho đều lời và nhạc. Để chép các chữ ghi chú ở trong bài, ta dùng tổ hợp phím Ctrl+T và nhấn chuột vào nơi cần chép. Lúc lày sẽ có một vạch nhấp nháy xuất hiện và ta đánh chữ vào đó. Có thể bạn vẫn dùng được các lệnh như trong soạn thảo văn bản như: Ctrl+B là nét đậm, Ctrl+I là nét nghiêng.... Chúng ta hãy cùng chép tiếp ô nhịp thứ chín. Nhấn vào dấu lặng ở ô nhịp thứ chín rồi nhấn phím số 3 và phím G để chép nốt sol đơn. Nhấn phím số 2 và nhấn G hai lần. Tiếp theo nhấn Enter trên keypad (dấu nối) và nhấn phím số 3 và G. Nhấn tiếp phím F chép nốt pha. Để chép nốt pha đơn chấm dôi, ta nhấn dấu chấm trên keypad và nhấn F. Nhấn tiếp lần lượt các phím: Số 2 + E + 4 + 0 Muốn chép bè cho ô nhịp này, ta nhấn chọn cả ô nhịp rồi sau đó nhấn Shift+3
Cứ tiếp tục như vậy, chép hoặc copy rồi paste ta sẽ chép xong những ô nhịp của đoạn A. Thử xem bạn đã có thể tự chép được nhịp thứ 11 chưa? Nếu vẫn chưa nhớ lắm thì đây là chìa khóa: Nhấn chọn dấu lặng ở ô nhịp thứ 11 rồi nhấn lần lượt các phím: 3 + 0 + C + C + 2 + C + C; 3 + 0 + C + E + 2 + C + C
Sau khi chép xong đoạn A của bài, ta hãy đánh dấu phân đoạn nó bằng cách nhấn ô nhịp đầu tiên và nhấn Ctrl+R. Nhấn tiếp ô nhịp đầu của đoạn B và nhấn Ctrl+R lần nữa. Lúc này sẽ có ký hiệu phân đoạn A, B rõ ràng. Bây giờ ta hãy chỉnh cho vạch nhịp của ô nhịp cuối cùng của đoạn A thành vạch nhịp kép nhé. Nhấn chuột chọn vạch nhịp đó rồi vào menu Create - Barline - Double Đoạn B của bài hát chuyển sang hóa biểu giọng C trưởng. Để chuyển hóa biểu ta nhấn chọn ô nhịp đầu tiên của đoạn B và nhấn phím K. Trong bảng key Signature hiện ra ta chọn Major Key và C major. Khi cần xóa ô nhịp bạn nhấn và giữ phím Ctrl, sau đó nhấn chuột vào ô nhịp cần xóa. Sau đó nhấnphím Delete. Kei cần xóa cả dòng, bạn giữ phím Ctrl và nhấn đúp chuột vào dòng đó, rồi nhấn phím Delete. Bây giờ chắc hẳn bạn đã tự chép được đoạn B rồi đó. Để thêm dấu nhấn và nốt nhạc ta chọn nốt nhạc đó và nhấn phím ( / ) trên keypad.
Nếu bài ca khúc nào đó có lời 2, các bạn vào menu Create - Text - Lyrics Line 2. Sau đó nhấn vào nốt nhạc cần chép lời để chép lời 2 cho ca khúc. III. Trình bày bản nhạc Sau khi chép lời ca xong các bạn có thể muốn di chuyển dịch vị trí lời ca lên xuống cho lời khỏi chạm vào nốt nhạc thấp. Để làm được điều này ta dùng bộ lọc (Filter). Vào menu Edit - Filter - Lyric. Lúc này tất cả phần lời đã được lọc riêng và ta chỉ việc nhấn phím mũi tên chỉnh lên và xuống tùy ý. Trong khi trình bày văn bản các bạn cần giãn dòng và di chuyển ô nhịp lên dòng trên hay xuống dòng dưới ta làm như sau: Để đưa ô nhịp nào đó xuống dòng dưới, ta nhấn chọn ô nhịp đó và chọn System Break trong ô Bars của cửa sổ Edit Passage Để đưa ô nhịp nào lên dòng trên ta nhấn ô nhịp trước nó rồi chọn Middle of System trong ô Bars của cửa sổ Edit Passage
Khi cần chép các ký hiệu quay lại, coda... Ta vào menu Create - Text - Other System text - Repeat (D.C/D.S...) và sau đó nhấn chuột vào chỗ cần chép.
Nhấn phải chuột vào vạch nhấp nháy ta sẽ có menu con để cho phép chọn các ký hiệu quay lại. Nếu cần các ký hiệu khác như cọc 1, cọc 2, dấu to dần, nhỏ dần.... Ta nhấn phím L rồi chọn ký hiệu và nhập vào chỗ cần thiết.
Để chép hợp âm cho ca khúc này, ta nhấn chọn nốt nhạc đầu tiên và nhấn tổ hợp phím Ctrl+K. Khi vạch nháy xuất hiện, ta nhấn phải chuột vào sau vạch nháy đó sẽ ra một menu để chọn các loại hợp âm. Nếu bạn nắm chắc ký hiệu hợp âm rồi thì có thể gõ thẳng vào bản nhạc bằng bàn phím. Trong khi trình bày bạn còn muốn cho tổng thể từ nốt nhạc và lời ca bé lại để cho vừa với trang giấy và không bị tràn sang trang thứ hai, khi đó ta vào menu Layout - Document Setup rồi chỉnh cỡ trong mục Staff size. Thông thường theo mặc định là 6, bạn có thể cho nhỏ hơn để nốt nhạc nhìm gọn và thoáng hơn. Nếu cần kéo khuông nhạc lên xuống bạn chỉ việc nhấn chuột vào dòng đó và giữ rồi rê lên hay rê xuống.
Khi muốn xuất ra file ảnh để mang đi in ấn hay đưa vào các sách nhạc... Bạn vào menu File - Export - Graphic, và chọn định dạng ảnh là BMP Windows Bipmap hoặc TIFF Bipmap. Sau đó chọn Browse để tìm nơi lưu file ảnh. Khi cần xuất một dòng nào đó bạn có thể nhấn tổ hợp phím Ctrl+G rồi rê chuột chọn khuông nhạc mong muốn rồi làm như trên. Tuy nhiên bạn phải chọn Graphic Selection, hoặc có thể chọn Selected System trong bảng Graphic Export.
Để có thể chép thành thạo các bạn nên chép lại vài lần bài này. Nếu có bài khác thì cũng nên thử chép vài bài khác nữa. Chắc chắn sau khi chép xong bài này các bạn có thể chép được nhiều bài khác nữa. Hãy kiên trì một chút, chỉ cần bỏ ra vài giờ đồng hồ là sau đó bạn có thể dễ dàng kiểm soát phần mềm Sibelius và tự mình khám phá thêm các chức năng khác nữa. Chúc thành công!
- Nguyễn Mai Kiên -
| | Nhạc của tôi - MP3 Player | |
Mẹo vặt | Trong trường hợp bạn mở file MIDI ra bằng cubase mà tất cả các kênh bị dính lại thành một kênh, vì vậy đôi khi ta tưởng chúng là 1 kênh. Nhưng thực chất chúng vẫn là những kênh riêng biệt, ta cần tách riêng từng kênh thì mới chỉnh sửa được. Ta sẽ chọn kênh này và vào menu: MIDI - Dissolve Part
| |
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét